[Mục tiêu nghề nghiệp là gì] Cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV chuẩn nhất
HF: Dù là sinh viên mới ra trường, hay là những “tay lão luyện” thì khi đi phỏng vấn đều mắc những lỗi chung khi trả lời câu hỏi “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?”. Nếu bạn bắt đầu bằng những câu nói rập khuôn như: “Tôi muốn có kinh nghiệm”, “Tôi cần tiền”, “Tôi muốn có công việc tốt”..., thì xin chúc mừng, bạn đã bị loại ngay từ vòng “gửi xe”.
Phần “Mục tiêu nghề nghiệp” thường xuất hiện trong mọi mẫu CV và những cuộc phỏng vấn với mục đích để nhà tuyển dụng có thể đánh giá các kỹ năng và cách ứng xử của bạn. Vậy làm thế nào để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng với câu trả lời hóc búa này? Hãy cùng House-Family tìm hiểu cách viết mục tiêu phát triển nghề nghiệp hay nhất nhé!
Tham khảo thêm:
I. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP LÀ GÌ?
Một nhân viên không có tham vọng hoặc không xác định rõ ràng con đường của mình thường đem lại hiệu suất làm việc thấp cho doanh nghiệp, do đó dù bạn chưa mường tượng được vị trí cụ thể của bản thân trong tương lai thì khi viết CV hoặc phỏng vấn cũng nên đưa ra những mục tiêu, ý định trong công việc đang ứng tuyển, tránh sử dụng những câu sáo rỗng, không gây ấn tượng.

“Mục tiêu nghề nghiệp”, tiếng anh là Career Objective, là một câu thuyết trình ngắn gọn về định hướng nghề nghiệp, hoặc những mong muốn của bản thân về công việc này trong tương lai, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng bạn là sự lựa chọn tốt nhất cho vị trí ứng tuyển. Mục tiêu này cần được xem xét kỹ lưỡng và đặc biệt là phải bám sát các tiêu chí của nhà tuyển dụng. Khi đã có được ý định cụ thể, thì sau đó bạn sẽ tìm được các bước để đạt được mục tiêu và định ra kế hoạch tương lai rõ ràng.
Tuy là phần được để ý nhất nhưng ứng viên thường xem nhẹ và chỉ đề ra những mục tiêu chung chung rập khuôn, hoặc thậm chí đi sao chép mục tiêu của người khác.
Một trong những câu trả lời tốt cho phần này thường là khi bạn đưa ra được kế hoạch ngắn hạn như trong vòng 1 năm, hoặc kế hoạch dài hạn như trong 5 năm tới. Thông qua cách lập kế hoạch cho nghề nghiệp, nhà tuyển dụng có thể thấy được ở ứng viên các đặc điểm về tính cách, kỹ năng mềm, tầm nhìn,... và họ sẽ kết hợp với các yếu tố khác để đưa ra kết luận liệu bạn có thực sự phù hợp với doanh nghiệp và vị trí ứng tuyển hay không.
II. CÁCH VIẾT MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP
Thế nào là một mục tiêu nghề nghiệp tốt nhất, thuyết phục nhất? Đó là một mục tiêu phù hợp yếu tố công việc mà bạn đang ứng tuyển. Nó sẽ cho nhà tuyển dụng thấy mức độ hiểu biết của bạn về doanh nghiệp, về lĩnh vực hoạt động của công ty, đồng thời, cũng thể hiện được những kỹ năng và kinh nghiệm đã có của bạn, biến bạn thành lựa chọn lý tưởng cho vị trí ứng tuyển đó. Mục tiêu nghề nghiệp cũng có thể bao gồm những điều bạn đã đạt được hoặc những dự định trong tương lai.

Tham khảo công thức viết mục tiêu nghề nghiệp (3 bước):
Bước 1: Đọc kỹ bản mô tả công việc (JD - job description) cho vị trí bạn đang ứng tuyển.
Với một bản mô tả công việc, hãy đặt ra câu hỏi: “Nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một người có thể giúp họ giải quyết vấn đề, vượt qua cản trở trong công việc hay đơn giản chỉ là một người giúp tăng khả năng doanh thu cho doanh nghiệp?”
Khi đọc bản mô tả công việc, bạn có thể tự đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng và suy đoán xem họ sẽ ưu tiên yếu tố nào trong phần Yêu cầu ứng viên. Một bản mô tả công việc thường có những tiêu chí như:
- Số năm kinh nghiệm
- Kỹ năng cứng liên quan đến công việc
- Kỹ năng mềm như sử dụng Word, Excel,...
- Chỉ số, bằng cấp liên quan đến công việc
- ...
Bước 2: So sánh kỹ năng nghề nghiệp mà bạn hiện đang có với bản mô tả công việc
Lưu ý, mục đích hàng đầu khi viết mục tiêu nghề nghiệp là để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và nhấn mạnh rằng bạn là lựa chọn lý tưởng cho vị trí cần tuyển. Vì vậy bạn có thể làm theo các bước sau:
- Tóm tắt năng lực của bạn theo tiêu chí trong bản mô tả (kinh nghiệm, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, bằng cấp,...)
- Đưa ra một hoặc vài dự án, vấn đề mà bạn đã hoàn thành nhờ sử dụng các yếu tố trên (kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cứng,...)
- Giới thiệu một dự án liên quan đến vị trí ứng tuyển mà bạn đã làm (nếu có)
- Làm nổi bật những kỹ năng mềm và sự phù hợp với văn hóa công ty.
Bước 3: Tránh những lỗi thường gặp khi viết mục tiêu nghề nghiệp:
- Viết lan man, không thực tế
- Không có sự rõ ràng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
- Quá tập trung vào vị trí của bản thân thay vì đóng góp cho doanh nghiệp
- Viết sai chính tả
- ...
Ngoài ra, để đề ra mục tiêu dài hạn, bạn cần tìm hiểu kỹ về hướng phát triển của công ty để từ đó đạt được tiếng nói chung về tầm nhìn và lập ra kế hoạch dài hạn phù hợp.
Hãy cùng House-Family tìm hiểu cách viết mục tiêu nghề nghiệp cho một số ngành nghề nhé!
III. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP NGÀNH KỸ THUẬT
Hiện nay ngành kỹ thuật nước ta đang dần phát triển và tạo ra cơ hội việc làm cao hơn, tuy nhiên để cạnh tranh với nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo bài bản từ các trường đại học thì phần mục tiêu nghề nghiệp là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của bạn.

Để đưa ra mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật thuyết phục nhất, bạn cần đảm bảo những yêu cầu sau:
Thứ nhất, nội dung phải truyền tải rõ ràng ý định của bạn với công việc ứng tuyển, tránh viết dài dòng khiến nhà tuyển dụng không hiểu bạn đang muốn nói điều gì.
Thứ hai, mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật sẽ thu hút người đọc nhất khi mà thể hiện được quyết tâm của bản thân trong việc thăng tiến, nâng cao vị thế của bản thân cũng như giá trị của doanh nghiệp trong thời gian tới. Nếu có thể lập kế hoạch cho bản thân trong 5 năm tới sẽ là một điểm cộng lớn cho ứng viên.
Thứ ba, bạn có thể đề cập một số từ chuyên ngành dễ hiểu để thể hiện sự hiểu biết của bản thân. Đồng thời để tăng thiện cảm thì bạn cần chú ý đến hình thức trình bày cũng như không được mắc lỗi chính tả hoặc viết tắt.
Sau đây là một số ví dụ về mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật
Mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật điện:
Với sự xuất hiện của điện năng đã thay đổi cuộc sống của loài người, theo đó ngành nghề kỹ thuật điện cũng được ra đời để đảm bảo điện năng luôn được hoạt động và ứng dụng tốt nhất. Tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp dưới đây để thêm điểm cộng cho CV của bạn nhé:
“Tốt nghiệp bằng cử nhân chuyên ngành kỹ thuật điện đại học XYZ cùng 5 năm kinh nghiệm tại vị trí kỹ sư điện công nghiệp, tôi có thể đọc hiểu sơ đồ thiết kế hệ thống điện trong ngành công nghiệp, nắm rõ cách lắp đặt mạng điện phân phối tại khu chung cư, tại các khu công nghiệp và khu xí nghiệp. Với kinh nghiệm hiện có, trình độ tiếng anh và khả năng chịu áp lực công việc tốt. Tôi mong muốn ứng tuyển vào vị trí nhân viên kỹ thuật điện tại công ty ABC, thông qua kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn để hoàn thành công việc hiệu quả nhất. Phấn đấu để giúp doanh nghiệp phát triển và đưa bản thân lên vị trí quản lý nòng cốt của doanh nghiệp.”
Mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật cơ khí
Thị trường lao động của ngành Cơ khí luôn cần nguồn nhân lực dồi dào, và sự cạnh tranh lúc nào khốc liệt. Để làm nổi bật CV của bản thân, hãy tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp dưới đây để tạo ấn tượng nhé:
“Thông qua kiến thức đã học ngành kỹ thuật cơ khí tại trường cùng kinh nghiệm 3 năm làm việc đúng chuyên ngành, sử dụng thành thạo các máy công cụ cơ khí. Tôi mong muốn tìm được công việc nhân viên kỹ thuật cơ khí trong môi trường làm việc chuyên nghiệp để phát huy khả năng của thân, nâng cao vị trí thế của công ty trong lĩnh vực này và trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong công ty.”
Mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật cho sinh viên mới ra trường:
Bạn là sinh viên mới ra trường, là nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản nhưng khả năng viết lách không cao? Hãy tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp dưới đây để bộc lộ sự nhiệt huyết và kiến thức của bản thân nhé:
“Với bằng tốt nghiệp cử nhân trường ABC, được đào tạo bài bản về kỹ năng chuyên ngành và kinh nghiệm thực tập tại một số khu công nghiệp, tôi mong muốn được ứng tuyển vị trí kỹ sư điện tại quý công ty, áp dụng những thức kiến thức đang có và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân và hoàn thiện tốt nhất công việc được giao. Từ đó góp mặt vào đội ngũ thành viên chủ chốt của công ty và đưa công ty lên vị trí cao hơn trong lĩnh vực này.”
IV. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP NGÀNH KẾ TOÁN
Khái niệm kế toán trong Luật Kế toán Việt Nam năm 2003 được định nghĩa: “Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động.” Hiểu một cách nôm na, kế toán viên là những người thực hiện các công việc ghi chép lại các giao dịch tài chính, cùng với việc lưu trữ, sắp xếp, truy xuất, tóm tắt và trình bày kết quả trong các báo cáo và ghi chép khác nhau.
Hiện nay kế toán được chia ra làm nhiều loại hình, mỗi loại lại đảm nhận một công việc khác nhau, vì vậy tương tự theo đó mục tiêu nghề nghiệp tại các vị trí này sẽ có điểm khác nhau. Nhưng nhìn chung, mục tiêu nghề nghiệp ngành kế toán cần đảm bảo các yếu tố ngắn gọn, đầy đủ thông tin, mạch lạc và truyền tải thông điệp rõ ràng tới nhà tuyển dụng.

Cùng House-family khám phá một số cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kế toán tại các vị trí hot nhất hiện nay nhé.
Mục tiêu nghề nghiệp Kế toán trưởng
Vị trí kế toán trưởng là một bước không thể thiếu để được làm Giám đốc Tài chính tại các công ty, và đây cũng là vị trí đáng mơ ước của biết bao kế toán viên mới bước vào nghề. Tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành kế toán với vị trí quan trọng này nhé:
“Tôi có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan với chứng chỉ CPA xuất sắc, cùng với kinh nghiệm thực tiễn giúp tôi sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý tài chính, phân tích tài chính, có kiến thức và bắt kịp các điều khoản bổ sung, điều khoản sửa đổi liên quan đến các vấn đề về doanh nghiệp, thuế,.. Mặt khác, tôi từng tham gia các khóa đào tạo nhân sự tại các công ty khác nhau. Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Kế toán trưởng tại Quý công ty để phát huy khả năng sở trường cũng như tạo ra giá trị đóng góp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.”
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp là một vị trí quan trọng, giúp kế toán viên đa dạng hóa và nâng cao kỹ năng chuyên môn của bản thân. Để có một CV đẹp bạn hãy tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp cho vị trí kế toán tổng hợp như sau nhé:
“Với hơn 1 năm kinh nghiệm kế toán kho và 2 năm làm tại vị trí kế toán công, tôi mong muốn đa dạng hóa khả năng và nghiệp vụ của mình, vì vậy tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Kế toán tổng hợp mà công ty đang tuyển dụng. Với sự ưa thích tìm tòi sáng tạo cùng kinh nghiệm sẵn có, tôi muốn được phát huy khả năng, tích lũy kinh nghiệm cho vị trí kế toán trưởng trong tương lai và góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.”
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên kế toán thuế
Vị trí kế toán thuế là một vị trí cực kỳ quan trọng và không thể thiếu tại các doanh nghiệp. Bạn có thể tham khảo cách viết sau để có thể lập ra dự định nghề nghiệp tại vị trí kế toán thuế cho bản thân nhé:
“Là một người tỉ mỉ với các con số và bắt kịp những điều luật thay đổi thay đổi liên quan đến thuế, tôi mong muốn được ứng tuyển vào vị trí Kế toán thuê tại Quý công ty để phát huy khả năng nghiệp vụ liên quan đến cơ quan thuế, xử lý và sắp xếp hồ sơ, lưu trữ hóa đơn, tiến hành kê khai thuế… Qua đó tích lũy kinh nghiệm cho vị trí Kế toán trưởng trong tương lai, đồng thời giúp công ty kinh doanh ổn định và báo thuế thuận lợi khi cần làm việc với các vấn đề về thuế.”
Mục tiêu nghề nghiệp ngành kế toán cho sinh viên mới ra trường
Bạn chỉ mới tốt nghiệp đại học, kinh nghiệm ít ỏi nhưng muốn thể hiện sự cạnh tranh với các ứng viên “nặng ký” khác? Hãy tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong 3-5 năm tới để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé:
“Là sinh viên mới ra trường chuyên ngành kế toán tại trường ABC cùng 3 tháng thực tập ở vị trí kế toán viên tại các doanh nghiệp. Đồng thời em cũng đã hoàn thành các chứng chỉ kế toán liên quan. Mục tiêu nghề nghiệp hiện tại của em là được ứng tuyển vào vị trí đúng chuyên ngành học, là vị trí Kế toán công Quý công ty đang tuyển. Với tính cách chăm chỉ, phấn đấu cao, em tin là trong vòng 3-5 năm tiếp theo bản thân có thể đạt được vị trí Kế toán tổng hợp, đồng thời góp phần giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững trong những năm tiếp theo.”
V. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP NGÀNH MARKETING
Khái niệm Marketing đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 2 thập kỷ và chưa bao giờ là ngành hết ”hot” với giới trẻ, đặc biệt là những người ưu thích sự sáng tạo, năng động và thường xuyên đổi mới.

Marketing được hiểu đơn giản là quá trình tiếp thị tạo mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp, đồng thời làm hài lòng khách hàng với sản phẩm của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất của marketing là làm thế nào để thu hút nhiều khách hàng nhất đến với thương hiệu và duy trì mối quan hệ với họ.
“Làm marketing nghĩa là chào hàng, quảng cáo hoặc chỉ là đi phát tờ rơi?” Đây là một hiểu lầm thường thấy khi nhắc đến ngành marketing. Tuy nhiên, chào hàng, quảng cáo chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi công việc của marketing, vì vậy bạn không nên nhầm lẫn những đầu công việc này nhé.
Với sự phát triển của các doanh nghiệp và quá trình hội nhập toàn cầu, nhu cầu marketing của các doanh nghiệp trở nên lớn hơn bao giờ hết và điều này khiến marketing được chuyên môn hóa và chia thành các ngành nghề nhỏ hơn. Do đó, khi viết mục tiêu nghề nghiệp ngành marketing, bạn chú ý không nên viết lan man và quá chung chung nhé.
Tham khảo một số cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành marketing:
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên PR (Quan hệ công chúng)
Nhân viên PR được coi là phát ngôn đại diện của công ty do đó luôn là một vị trí quan trọng và được nhiều bạn trẻ mơ ước, đọc ngay cách viết mục tiêu nghề nghiệp:
“Phòng Marketing tại Quý công ty luôn được biết đến là một nơi năng động và có sự đổi mới nhất, do đó tôi muốn xin ứng tuyển vị trí Nhân viên PR mà công ty đang tuyển. Với thời gian 2 năm làm việc tại lĩnh vực chuyên ngành, tôi đã tích lũy được kinh nghiệm thực tế với kỹ năng xây dựng kế hoạch PR quảng bá thương hiệu, quản lý website, viết bài PR sản phẩm,... đồng thời cũng sẽ phát huy các mối quan hệ với các đối tác truyền thông, cơ quan báo chí để lập ra kế hoạch có lợi nhất cho công ty. Qua đó, tôi sẽ có thêm những kinh nghiệm hữu ích, nâng cao nghiệp vụ để có thể trở thành chuyên gia Marketing trong tương lai.”
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên Market Research (Nghiên cứu thị trường)
Trước khi bắt tay vào quảng bá một thương hiệu, sản phẩm nào đó, bước đầu tiên và quan trọng nhất đó là phải nghiên cứu thị trường, sản phẩm, khách hàng,... từ đó đề ra chiến lược quảng bá phù hợp nhất. Vậy kế hoạch tương lai cho một nhân viên Market research sẽ được viết như thế nào? Tham khảo dưới đây nhé:
“Tôi có 2 năm kinh nghiệm làm đúng ngành chuyên môn về Marketing, khả năng làm việc nhóm và thuyết trình tốt, sử dụng thành thạo công cụ Office và các công cụ liên quan phục vụ cho công việc. Tôi mong muốn được ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Market research tại Quý công ty để được làm việc trong môi trường chuyên môn, phát huy khả năng sở trường, tích lũy kinh nghiệm để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, đồng thời cũng tạo ra giá trị đóng góp cho sự phát triển của công ty trong tương lai.”
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên Digital Marketing (Chuyên viên Marketing)
Theo Asia Digital Marketing Association: “Digital Marketing là chiến lược dùng Internet làm phương tiện cho các hoạt động marketing và trao đổi thông tin.” Digital Marketing nhấn mạnh vào 3 yếu tố: sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, tiếp cận khách hàng trong môi trường kỹ thuật số và kiểm soát tương tác với khách hàng.
Như vậy, với quá trình hội nhập toàn cầu thì Digital Marketing là một vị trí không thể thiếu tại các doanh nghiệp để giúp thương hiệu của mình phổ biến hơn. Tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên Digital Marketing để giúp CV của bạn nổi bật hơn nhé:
“Với định hướng trở thành full-stack digital marketer, tôi đã phát triển kỹ năng tại nhiều mảng: social media, Facebook & Google Ads, SEO, SEM,... từ đó tích lũy kinh nghiệm xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu trên các Website, forum, Facebook,... Cùng với 1 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí Intern và Junior Digital Marketing giúp tôi phát triển tư duy phân tích dữ liệu. Tôi mong muốn đem lại những đóng góp nổi bật cho công ty tại vị trí Digital Marketing Exclusive và hướng đến vị trí senior trong 2 năm tới.”
Mục tiêu nghề nghiệp ngành Marketing cho sinh viên mới ra trường
Bạn là sinh viên Marketing mới tốt nghiệp? Bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế để làm đẹp CV? Vậy thì phần “Mục tiêu nghề nghiệp” sẽ là một trong những thứ có thể giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng đó, tham khảo ngay cách viết sau nhé:
“Em là sinh viên mới tốt nghiệp bằng cử nhân ngành Marketing trường ABC. Với đam mê và mong muốn trở thành Marketer chuyên nghiệp, em đã bổ sung kiến thức cho bản thân hoàn thành các chứng chỉ khóa học nghiệp vụ liên quan. Em mong muốn được bắt đầu tại vị trí đúng chuyên ngành đó là vị trí Digital Marketing mà Quý công ty đang tuyển. Với sự nhạy bén, các kỹ năng mềm và khả năng giao tiếp tốt và sự kiên nhẫn ham học hỏi, từ vị trí công việc này em sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, phát triển khả năng chuyên môn của bản thân, phấn đấu trong 5 năm trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này và giúp công ty phát triển bền vững trong tương gần.”
VI. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP NGÀNH NGÂN HÀNG
Từ trước đến nay, ngân hàng luôn là môi trường “hot” trong mắt phụ huynh và các bạn trẻ. Không chỉ bởi làm ngân hàng có thu nhập cao, ổn định cùng với sự thăng tiến rõ ràng, mà theo sự phát triển của xã hội, ngành nghề của ngành ngân hàng ngày càng đa dạng, hiện đại và năng động. Từ đó tạo ra càng nhiều cơ hội sáng tạo, thách thức với nguồn nhân lực trẻ và được đào tạo bài bản.

Với sự phân chia rõ ràng trong ngành ngân hàng, mỗi vị trí sẽ có lộ trình phát triển và thăng tiến riêng, vì vậy khi viết phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV, bạn nhớ lưu ý về sự nhầm lẫn giữa các nghề và không nên viết quá chung chung nhé. Cùng House-Family tham khảo một số cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành ngân hàng ấn tượng nhất nhé.
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên quản lý rủi ro (Risk Management Officer)
Nhân viên quản lý rủi ro là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của ngân hàng.
Đây là một vị trí cần tri thức cao cấp và có mức lương cao, tuy nhiên với nguồn nhân lực dồi dào được đào tạo bài bản hiện nay, CV sẽ là một trong những yếu tố giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, đọc ngay cách viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên quản lý rủi ro để cộng điểm cho CV nhé:
“Với bằng cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng tại trường ABC, chứng chỉ TOEIC 650 và 2 năm kinh nghiệm làm tại vị trí liên quan, tôi có kỹ năng phân tích, đánh giá hồ sơ đầu tư, lập báo cáo thẩm định rủi ro và nắm rõ các chính sách quản lý rủi ro. Đồng thời thông qua kinh nghiệm thực tế đã đào tạo tôi các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, sử dụng thành thạo các công cụ tin học văn phòng phục vụ cho công việc. Tôi mong muốn được ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Quản lý rủi ro tại Quý ngân hàng để có thể nâng cao nghiệp vụ, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này trong 3 năm tới và giúp ngân hàng vận hành một cách trơn tru, phát triển bền vững trong tương lai.”
Mục tiêu nghề nghiệp Nhân viên tín dụng
Vị trí chuyên viên tín dụng là một trong những vị trí quan trọng quyết định sự thành công và phát triển của một ngân hàng, vì họ là những người trực tiếp thực hiện dịch vụ của ngân hàng với khách hàng. Do đó tuy là một công việc có áp lực cao nhưng lại thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ.
Vậy làm thế nào để khiến CV của bản thân nổi bật giữa nguồn nhân lực dồi dào hiện nay? Đáp án nằm ở phần “Mục tiêu nghề nghiệp”, đây vốn là phần nhà tuyển dụng để ý nhất để có cái nhìn toàn diện về các ứng viên. Tham khảo cách viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên tín dụng sau để gây ấn tượng nhé:
“Với 2 năm kinh nghiệm làm việc tại vị trí liên quan, tôi đã tích lũy được nhiều mối quan hệ có thể phục vụ cho công việc, cùng với trải nghiệm thực tế giúp tôi nắm rõ cách thẩm định khách hàng, lập báo cáo thẩm định,... và các kỹ năng mềm như sử dụng thành thạo tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp và tạo mối quan hệ,... Với kiến thức và kinh nghiệm đã có, tôi mong muốn được là một thành viên tại Ngân hàng ABC với vị trí Chuyên viên hỗ trợ tín dụng để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu, chuẩn bị cho vị trí chuyên gia trong lĩnh vực này đồng thời giúp Quý ngân hàng phát triển ổn định và bền vững.”
Mục tiêu nghề nghiệp Giao dịch viên ngân hàng
Giao dịch viên còn hay được gọi là “mặt hoa da phấn” của ngân hàng, là những người trực tiếp tiếp xúc, xử lý các vấn đề, nhu cầu của khách hàng. Vì đây là vị trí phản ánh trực tiếp thương hiệu, chất lượng dịch vụ của ngân hàng nên có yêu cầu cao về ngoại hình, kỹ năng chuyên môn và khả năng giao tiếp khéo léo. Tuy nhiên đây cũng là một trong những ngành nghề được các bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, quan tâm.
Để cạnh tranh nguồn nhân lực trẻ và được đào tạo chuyên môn, hãy viết cách đánh bóng CV để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng, như là bắt đầu với mục tiêu của bạn trong 3-5 năm tới nhé:
“Tôi có hơn 2 năm kinh nghiệm tại vị trí chuyên ngành, từ trải nghiệm thực tế đã giúp tôi nâng cao khả năng giao tiếp tốt với khách hàng ở mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội, duy trì hiệu suất công việc dưới cường độ áp lực cao. Tôi mong muốn có thể ứng tuyển vị trí Giao dịch viên tại Quý ngân hàng để có cơ hội làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, ổn định. Từ đó nâng cao chuyên môn của bản thân, tiến tới vị trí Quản lý trong 3-5 năm tới và giúp ngân hàng vận hành trơn tru, phát triển bền vững trong tương lai.”
Mục tiêu nghề nghiệp ngành ngân hàng cho sinh viên mới ra trường
Mặc dù tốt nghiệp bằng giỏi tại trường đại học danh tiếng, được đào tạo bài bản kỹ năng chuyên môn nhưng bạn vẫn đang “bơ vơ” chưa có chỗ làm? Hãy soát lại CV thật kỹ để tìm ra thiếu sót, đặc biệt là phần “Mục tiêu nghề nghiệp”, bởi đây vốn là phần quan trọng nhưng thường bị các ứng viên xem nhẹ. Đọc ngay cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành ngân hàng cho sinh viên mới ra trường dưới đây để tìm ra lý do bản thân vẫn còn “bơ vơ” nhé:
“Với bằng cử nhân chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường ABC, em cũng đã hoàn thành các chứng chỉ về các khóa học liên quan như nghiệp vụ ngân hàng cơ bản và ngân hàng thực hành. Em mong muốn có thể trở thành một thành viên tại Ngân hàng XYZ tại vị trí Giao dịch viên, có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và ổn định, từ đó học hỏi tích lũy kinh nghiệm, áp dụng kiến thức và kỹ năng hiện có để đạt danh hiệu Nhân viên xuất sắc trong 1 năm tới. Từ đó góp phần phát triển số lượng khách hàng, đưa thương hiệu của Ngân hàng tới gần cộng đồng hơn.”
VII. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP NGÀNH CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
Chăm sóc khách hàng, tiếng anh là Customer Care, hoặc được gọi là dịch vụ khách hàng, được coi như “vũ khí bí mật” của các doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản hơn, chăm sóc khách hàng là thực hiện mọi mong muốn của khách hàng, bao gồm tư vấn, giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại,... của khách hàng với mục đích là giữ được lượng khách hàng đang có.

Ngày nay trên thị trường doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về sản phẩm, mà còn phải cạnh tranh về dịch vụ, một trong số đó là mảng chăm sóc khách hàng hiệu quả. Vì vậy, nhân viên CSKH chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi marketing của doanh nghiệp. Với tầm quan trọng cùng mức lương thưởng hấp dẫn, vị trí nhân viên CSKH luôn được các bạn trẻ quan tâm, đặc biệt là những sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường.
Vậy để cạnh tranh với nguồn nhân lực trẻ khỏe như vậy, thì bản CV luôn là một điểm mạnh để những người có kinh nghiệm phát huy sở trường và khả năng thực tế của mình. Ngoài làm nổi bật được trải nghiệm của bản thân, trong CV bạn cần phải để ý tới phần “Mục tiêu nghề nghiệp” để cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là sự lựa chọn lý tưởng cho vị trí này. Tham khảo ngay cách viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên CSKH dưới đây nhé:
“Tôi có 2 năm kinh nghiệm làm tại vị trí CSKH trong lĩnh vực thực phẩm và sắc đẹp, nhờ vào tính cách điềm tĩnh, khả năng giao tiếp tốt và tư duy phản xạ nhạy bén đã giúp tôi tiếp xúc và xử lý tốt nhu cầu của khách hàng và luôn nhận được phản hồi tốt từ khách hàng trong công việc trước đây. Do đó, tôi mong muốn được ứng tuyển vào vị trí Nhân viên CSKH tại Quý công ty để có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nâng cao khả năng nghiệp vụ và vươn tới vị trí Trưởng phòng CSKH trong vòng 5 năm tới, qua đó giúp công ty giữ gìn thương hiệu và phát triển bền vững.”
Mục tiêu nghề nghiệp ngành CSKH cho sinh viên mới ra trường
Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, có kiến thức chuyên môn nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn, đó là tình trạng chung của hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp. Chính vì lý do đó, bạn càng phải để ý và trau chuốt tấm CV để có thể làm nổi bật bản thân giữa một “rừng” nhân tài kiệt xuất như hiện nay. Và hãy chắc chắn là bạn không xem nhẹ phần “Mục tiêu nghề nghiệp” xuất hiện ở đầu mỗi mẫu CV nhé. Tham khảo cách viết dưới đây nếu bạn muốn cộng thêm điểm vào CV của bản thân:
“Là sinh viên mới tốt nghiệp ngành kinh doanh tại trường ABC, thành thạo tin học văn phòng, giao tiếp tiếng anh tốt và có kỹ năng mềm. Em mong muốn được ứng tuyển vào vị trí CSKH tại Quý công ty. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, nhưng thông qua một vài công việc liên quan đến dịch vụ em đã từng làm, em đã rèn luyện kỹ năng giao tiếp với mọi lứa tuổi, kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh, cùng với tính cách ham học hỏi và cách ứng xử linh hoạt sẽ giúp em hoàn thành tốt công việc hỗ trợ khách hàng, giữ gìn và xây dựng hình ảnh của công ty. Đồng thời với cơ hội được làm việc tại môi trường làm việc chuyên nghiệp em tin rằng sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế, đóng góp cho công ty và phát triển nghề nghiệp tại vị trí cao hơn trong tương lai.”
VIII. MỤC TIÊU NGHỀ NGHIỆP BẰNG TIẾNG ANH
Bạn đang muốn ứng tuyển cho một công ty nước ngoài nhưng không biết làm thế nào để “đánh bóng” CV của bản thân? Đơn giản thôi, hãy đọc một cách viết mục tiêu phát triển nghề nghiệp bằng tiếng anh dưới đây để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé.

Mục tiêu nghề nghiệp ngành kỹ thuật bằng tiếng anh
“An engineer had 3 years of working experience in the right major with a positive attitude to work. I wanted to apply for an electrical engineer position at ABC Inc. to improve personal skills and level up the company position in the technical areas in future.”
(Một kỹ sư đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc đúng chuyên ngành. Tôi mong muốn ứng tuyển vào vị trí kỹ sư điện tại Công ty ABC để có cơ hội cải thiện nghiệp vụ và trong tương lai sẽ góp phần đưa công ty lên vị trí cao hơn trong ngành kỹ thuật.)
Mục tiêu nghề nghiệp kế toán bằng tiếng anh
“A self-motivated individual with a Bachelor of accounting degree and 1 year worked in the right major, desires the job of General Accounting Associate at XYZ Inc. Coming with enormous experience in corporate financial reporting, tax accounting,... I want to work at a professional place to improve personal skills and help the company have a sustainable position in the world.”
(Một người năng động có bằng Cử nhân ngành Kế toán cùng 1 năm làm việc đúng chuyên ngành mong muốn ứng tuyển vị trí Nhân viên Kế toán tổng hợp tại công ty XYZ. Với kinh nghiệm lập báo cáo tài chính doanh nghiệp, kế toán thuế,... tôi mong có cơ hội làm việc tại môi trường chuyên nghiệp để phát huy kỹ năng của bản thân, đồng thời giúp công ty có một vị thế vững chắc khi vươn ra ngoài thế giới.)
Mục tiêu nghề nghiệp marketing bằng tiếng anh
“With the Bachelor of marketing degree, I desire the role of Market Research Intern at XYZ Inc. where strong interpersonal, ability of research and analysis, and software applications will be put to use in conducting industry research to provide accurate information to management for effective decision making.”
(Tốt nghiệp bằng cử nhân ngành Marketing, em mong muốn ứng tuyển vị trí Thực tập Nghiên cứu thị trường tại công ty XYZ, nơi có môi trường giao tiếp rộng rãi, được phát huy và học hỏi kỹ năng nghiên cứu và phân tích, ứng dụng các phần mềm để cung cấp thông tin chính xác cho ban lãnh đạo đưa ra quyết định hiệu quả.)
Mục tiêu nghề nghiệp ngân hàng bằng tiếng anh
“An individual with a hard working attitude and 1 year experience seeking a Teller position at XYZ Bank. I was trained the ability to serve clients in a professional and friendly manner while maintaining high levels of accuracy and efficiency under pressure. Career objective in the next 3 years is to become a Controller and maintain the company's brand.”
(Tôi đã có kinh nghiệm 1 năm làm việc tại vị trí này và luôn có thái độ làm việc chăm chỉ, tôi muốn ứng tuyển vị trí Giao dịch viên tại Ngân hàng XYZ. Tại công việc cũ tôi đã được đào tạo bài bản khả năng phục vụ khách hàng với sự chuyên nghiệp và thân thiện, đồng thời duy trì độ chính xác và hiệu quả cao dưới áp lực công việc. Mục tiêu nghề nghiệp trong 3 năm tới của tôi là trở thành Kiểm soát viên tại Quý ngân hàng và gìn giữ, phát triển thương hiệu của công ty.)
Mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng bằng tiếng anh
“I apply for the position of Customer Care in XYZ Inc. that I have solid knowledge of Word, Outlook and Excel, and excellent verbal communication skills will be used in providing support and assistance to service staff, and customers then store and spread the company’s brand.”
(Tôi mong muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên CSKH tại công ty XYZ, tôi sử dụng thành thạo tin học văn phòng như Word, Outlook và Excel, cùng với khả năng giao tiếp tốt sẽ hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng và giữ gìn, xây dựng hình ảnh thương hiệu của công ty.)

Tên tôi là Khánh. là một người viết blog tự do đến từ Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Học Viện Báo Chí tôi bắt đầu đến làm việc tại House - Family . Với niềm đam mê của mình tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích và bổ sung thêm những kiến thức phong phú đáng tin cậy nhất.