HF: Ngày này nhiều hộ gia đình chăn nuôi đang phải đau đầu bởi các căn bệnh xuất hiện trên vật nuôi nhà mình đặc biệt là những hộ gia đình nuôi gà. Có thể nhận thấy rằng gà là một trong những loài vật dễ nhiễm phải nhiều loại bệnh khác nhau. Do đó bạn đọc hãy theo dõi bài viết sau đây để có thể nhận biết được các loại bệnh ở gà dễ mắc phải nhất cùng cách phòng tránh và chữa trị.
BỆNH CẦU TRÙNG Ở GÀ

Đặc điểm bệnh cầu trùng ở gà
Bệnh cầu trùng cho do ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Eimeria gây ra. Con đường lây lan chủ yếu là qua quá trình ăn uống gà ăn phải thức ăn chứa mầm bệnh. Bệnh này làm cho gà ủ rũ, kém ăn, lông xù, uống nhiều nước, tăng khả năng chết ở gà con, giảm lượng trứng.Đây là một một trong số bệnh thường mắc ở gà con ở lứa 10-30 ngày tuổi.
Cầu trùng gà có hai dạng: Cầu trùng ruột non và cầu trùng manh tràng, nhiều trường hợp kết hợp cả hai.
- Dạng ở ruột non: thường gây bệnh ở gà bị viêm ruột, tiêu chảy, phân sẽ chuyển dần từ màu trắng, xanh sang màu nâu sậm, đôi khi lẫn máu tươi và nhầy.
- Dạng ở manh tràng: gà kêu nhiều, gầy nhanh, phân sệt có máu tươi hoặc đỏ nâu, còn xuất hiện triệu chứng thần kinh.
Cách phòng và chữa bệnh cầu trùng ở gà
Phòng bệnh
- Cần phải vệ sinh sát trùng sau mỗi đợt nuôi bằng một trong các thuốc như BIOXIDE, BIO-GUARD, BIODINE hoặc BIOSEPT.
- Nếu nuôi gà trong chuồng luôn đảm bảo chuồng khô ráo, thoáng mát, không quá lạnh hay quá nóng. Dải lớp độn chuồng để hút ẩm tốt hơn.
- Nếu nuôi gà thả sân thì sân nên trải một lớp cát.
- Trong thời gian phát bệnh nên vệ sinh chuồng 2-3 lần.
- Tách riêng những con bị bệnh để theo dõi tránh lây nhiễm.
Chữa trị
- Thay đệm lót chuồng và phun thuốc sát trùng Vinadin 10ml 1 lần/1 ngày.
- Dùng thuốc chữa trị phân loại dạng theo màu phân: phân sáp cho uống Vinacoc ACB 2g/1l nước. Phân máu tươi cho uông Anticoccid 1g/1l nước cho 5 kgP. Hai dạng đều cho uống liên tục 5-7 ngày.
- Cầu trùng manh tràng dùng thêm thuốc chống xuất huyết.
- Bổ sung nước điện giải và thuốc bổ cho gà hồi phục nhanh.
BỆNH KHÔ CHÂN Ở GÀ

Đặc điểm bệnh khô chân ở gà
Bệnh khô chân ở gà là một loại bệnh thường gặp ở gà, bệnh này không quá nguy hiểm và biểu hiện thường khó nhận biết. Tuy nhiên nếu để một thời gian sẽ trở nên còi cọc, chán ăn, lười đi lại, mắt nhắm nghiền, chân teo quắt. Tỷ lệ chết khoảng 5 đến 30%.
Bệnh này thông thường gặp lúc gà non từ 2 - 7 ngày tuổi và khi từ 1kg trở lên và có các nguyên nhân gây bệnh phổ biến như:
- Không đảm bảo kỹ thuật, máy ấp kém chất lượng trong quá trình ấp trứng gà non bị yếu.
- Quá trình vận chuyển từ trại giống đến chuồng nuôi không đảm bảo kỹ thuật.
- Quá trình úm gà thừa hoặc thiếu nhiệt.
- Việc cho gà ăn quá muộn hay không đủ chất làm cho gà mất cân bằng dinh dưỡng.
- Gà dễ mắc bệnh từ trong phôi nếu không dùng thuốc úm chuyên dụng.
- Môi trường không đảm bảo vệ sinh, không thay nền ủ nhiều mầm bệnh.
- Không cung cấp nước đủ.
- Máng thiết kế không hợp lý. Gia cầm không ăn uống được dẫn tới con to con nhỏ.
Cách phòng tránh và chữa bệnh khô chân ở gà
Phòng bệnh
- Sử dụng máy ấp tốt, đảm bảo nhiệt độ tiêu chuẩn.
- Khi vận chuyển phải có xe chuyên dụng, kín gió.
- Chuồng có đèn, nhiệt độ 37°C, chất độn khô.
- Máng ăn, uống thiết kế hợp lý.
- Đảm bảo thức ăn đủ chất dinh dưỡng, khoáng và vitamin và 22% đạm.
- Sử dụng thuốc úm chuyên dụng.
Cách chữa trị
- Duy trì nhiệt độ úm gà phù hợp.
- Ngày đầu 37 độ.
- Những ngày sau giảm mỗi ngày 1 độ.
- Duy trì trong 14 ngày.
- Đến ngày 21 thì tùy vào nhiệt độ môi trường mà bà con điều chỉnh cho phù hợp, chú ý đêm nhiệt độ không dưới 22°C
- Cho gà ăn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cho gà phát triển, đủ 22% chất đạm. Chia ra làm nhiều bữa.
- Một số vacxin Gumboro A, 228E và ND-IB dùng để nhỏ vào mồm, mũi gà.
BỆNH PHỔI Ở GÀ

Đặc điểm bệnh phổi ở gà
Bệnh phổi ở gà hay còn gọi là bệnh Aspergillus fumigatus. Do loại nấm cùng tên này gây ra thường xảy ra ở gà 1-20 ngày tuổi. Bởi vì chúng còn non, yếu ớt, sức đề kháng kém dễ bị mắc phải.
Triệu chứng của bệnh này dễ nhận biết hơn bệnh khô chân. Gà uể oải, lim dim, tách đàn, lười ăn, thường vươn đầu thở nhanh, gấp. Nếu không phát hiện kịp gà có biểu hiện động kinh, sưng mắt và chảy nhiều nước mắt. Có thể bị mù hoặc chết.
Cách phòng tránh và chữa bệnh phổi ở gà
Phòng bệnh
- Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, khô ráo, thay đệm lót thường xuyên.
- Sử dụng thuốc sát trùng uy tín, phun theo định kỳ.
- Dọn dẹp thức ăn rơi xuống đất tránh bị nhiễm nấm mốc.
- Bổ sung thêm thuốc bổ và nước điện giải.
- Để ý quan sát biểu hiện để phát hiện sớm.
- Cách ly khỏi đàn những con có biểu hiện bệnh.
Chữa bệnh
- Tìm nguyên nhân bị nấm để giải quyết triệt để.
- Không dùng thuốc có nguồn gốc từ nấm.
- Sử dụng Bio-Fungicide oral hoặc Bio-neo để trị nấm.
- Bổ sung men tiêu hóa và B-Complex để gà hồi phục nhanh hơn.
BỆNH THƯƠNG HÀN GÀ

Đặc điểm bệnh thương hàn gà
Bệnh thương hàn ở gà hay còn có tên Salmonellosis là một căn bệnh dễ lây lan, xuất hiện ở mọi lứa tuổi gà. Do Salmonella gallinarum pullorum gây ra. Bệnh này thường ủ bệnh 3-4 ngày, cấp tính tỷ lệ chết 70-100%.
Gà non dễ bị chết phôi hoặc sẽ còi xuất hiện phân xanh, chất nhầy, phân lợn cợn. Gà trưởng thành có biểu hiện mào nhợt, yếu ớt, tiêu chảy phân màu xanh. Gà mái giảm tỷ lệ đẻ trứng, trứng méo, kém chất lượng.
Cách phòng tránh và chữa bệnh thương hàn gà
Phòng bệnh
- Đảm bảo nơi mua gà, trứng không có bệnh.
- Nên cách ly gà mới mua để theo dõi.
- Cách ly con ốm.Vệ sinh chuồng trại, máng ăn, thay độn. Nếu số lượng bệnh nhiều nên loại thải cả đàn.
- Chú ý kiểm tra máu gà theo định kỳ.
- Sử dụng formol để xông lò ấp trứng tránh mầm bệnh.
- Đảm bảo dưỡng chất trong thức ăn.
Chữa Bệnh
- Chọn Tetracyclin hoặc Oxytetracycline cho vào thức ăn, với liều lượng 1-2g với 10kg. Dùng 5-7 ngày. Tiêm Streptomycin 50-100mg/kg thể trọng vào bắp hoặc dưới da.
- Kết hợp pha dung dịch B complex cho vào nước. Cứ 50ml pha với 3l nước cho khoảng 100 gà uống.
- Bồi bổ thêm các khoáng chất vitamin, điện giải, men vi sinh để gà tăng sức đề kháng và hồi phục nhanh.
BỆNH NEWCASTLE Ở GÀ

Đặc điểm bệnh newcastle ở gà
Bệnh NewCastle hay còn có gọi là bệnh gà rù, bệnh tân thành gà. Do virus Paramyxo gây ra. Bệnh này rất phổ biến ở gia cầm và được người chăn nuôi quan tâm nhiều, vì loại bệnh này có thể mắc mọi lứa tuổi qua đường tiêu hóa, hô hấp có khả năng lây lan diện rộng. Đặc biệt nguy cơ tử vong cao.
Gà mắc bệnh sẽ có biểu hiện như: kém ăn, lông xù, chảy nước mắt, phân màu xanh, vàng, mào thâm, diều căng phồng.
Cách phòng tránh và chữa bệnh newcastle ở gà
Phòng bệnh
- Thường xuyên vệ sinh chuồng, khử trùng định kỳ, cọ rửa máng ăn, máng uống.
- Trộn men vi sinh vào lớp độn hạn chế mầm bệnh.
- Cách ly theo dõi gà mới.
- Dùng vaccin phòng bệnh Newcastle cho gà 5-10 ngày tuổi.
Cách chữa trị
- Dùng vacxin Medivac Clone 45 tiêm dưới da cổ.
- Nếu sốt cho uống PARADISE liều 1g/1 lít nước đến khi hạ sốt.
- Để long đờm cho uống uống ROMECIN liều 1g/2 lít nước.
- Bổ sung thêm thuốc giải độc, nước điện giải để gà hấp thụ tốt hơn.
BỆNH MAREK Ở GÀ

Đặc điểm bệnh Marek ở gà
Bệnh Marek hay còn được biết đến là bệnh ung thư ở gà, teo chân gà,.. Do một loại virus có tên Herpes gây ra. Bệnh này tuy không lây qua phôi nhưng có thể lây qua nang lông, hô hấp, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi. Thời gian ủ bệnh 28-60 ngày tuổi. Trong thời gian này bệnh không có nhiều biểu hiện nhưng khi phát bệnh thì lúc này nguy cơ tử vong cao.
Đặc điểm của bệnh này gà bỏ ăn, khó thở,, giục đầu xã cánh, chân bị teo, mù mắt. Nếu nặng sẽ dẫn đến liệt chân, cánh và chết.
Cách phòng tránh và chữa bệnh Marek ở gà
Phòng bệnh
- Tiêm phòng vacxin Marek từ 1 ngày tuổi.
- Kiểm soát ra vào chuồng trại.
- Trộn đều vào thức ăn Hanmix-VK4 với liều 500g/150kg với gà hậu bị, 500g/ 200kg với gà đẻ.
- Cho uống thêm B-Complex.
Cách chữa trị
Bước 1: Vaccine:
Sử dụng ngay khi gà có các triệu chứng mắc bệnh bằng vacxin Medivac Clone 45 tiêm dưới da cổ (hoặc có thể tiêm ở cơ ngực) theo liều lượng chỉ định. Ngoài ra cũng có thể cho uống với liều gấp 1,5 - 2 lần liều chỉ định (chỉ được dùng 01 lần)
Lưu ý: Nên dùng cho gà đã được nhỏ vacxin Newcastle ít nhất 1 lần và tuổi gà trên 1 tháng tuổi.
Bước 2: Xử lý triệu chứng:
- Hạ sốt: Dùng thuốc PARADISE liều lượng 1g/1 lít nước, sử dụng liên tục đến khi gà hết sốt.
- Long đờm: Dùng thuốc BROMELAIN liều lượng 1g/2 lít nước, sử dụng liên tục đến khi gà phát âm ran.
- Giải độc: Dùng thuốc Lesthionin-V liều lượng 1ml/1 lít nước, sử dụng liên tục đến khi gà hồi phục.
Bước 3: Bổ trợ và tăng sức đề kháng:
- Pha thuốc BUNG LÔNG BẬT CỰA 007S liều lượng 1g/1 lít nước và cho gà uống 4- 6h / ngày.
- Pha thuốc Lesthionin-V liều lượng 1g/1lít nước, cho gà uống 4- 5h /ngày.
- Pha thuốc ZYMEPRO với liều lượng 2g/lít nước, ngày cho gà uống 2 - 4h.
Bước 4: Kháng sinh:
Dùng kháng sinh DOXYCYCLINE 150 với liều lượng 1g/15kg TT/ngày để phòng bội nhiễm và sử dụng liên tục 3 - 5 ngày. Ngoài ra có thể sử dụng thuốc MOXCOLIS liều lượng 1g/2 lít nước uống/ngày, (tương đương 1g/10kg TT/ngày) và sử dụng liên tục 3 - 5 ngày.
Bước 5: Vệ sinh:
Phun thuốc sát trùng BESTAQUAM-S mỗi ngày tại khu vực chuồng gà 1 lần với liều lượng 4 - 6ml/1lít nước hoặc 2 - 4 lít nước pha/100m2 chuồng nuôi.
BỆNH ĐẬU GÀ

Đặc điểm bệnh đậu gà
Bệnh đậu gà là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Avipoxvirus. Loại bệnh thường mắc ở gà từ 25-50 ngày tuổi. Đường lây nhiễm qua các vết thương hở, đường hô hấp, ăn uống, côn trùng. Bệnh này có đặc trưng: mọc mụn mủ ở đầu, niêm mạc mắt, miệng. Đôi khi xuất hiện mủ trong miệng và mắt. Khi mụn mủ chín sẽ chảy ra gây mù mắt, viêm phổi, kém ăn và cuối cùng là tử vong.
Cách phòng tránh và chữa bệnh đậu gà
Phòng bệnh
- Cung cấp đủ thức ăn dinh dưỡng, nước uống.
- Bổ sung vitamin, điện giải tăng đề kháng.
- Vệ sinh chuồng trại bằng thuốc sát khuẩn 1 tuần 1 lần.
- Diệt côn trùng, muỗi, ruồi giảm nguy cơ lây lan.
- Tiêm chủng vacxin đậu gà cho gà 7-10 ngày tuổi.
Cách chữa trị
- Bôi thuốc methylen hoặc glycerin10%, CuSO4 5% lên mụn. Bôi 3-4 ngày cho vết thương khô.
- Ở mắt có thể dùng thuốc nhỏ mắt. Lấy bông gạc làm sạch rồi bôi thuốc sát trùng nhẹ Lugol 1%.
- Phun dung dịch formol 3%, dung dịch lodin 1% hoặc dung dịch phenol 5% trong 30 phút.
BỆNH BẠCH LỴ Ở GÀ

Đặc điểm bệnh bạch lỵ ở gà
Bệnh bạch lỵ là truyền nhiễm khá nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh, thường xảy ra ở gà 1-3 tuần tuổi. Do loại vi khuẩn salmonella pullorum gây ra. Vi khuẩn này có sống 3-4 tháng trong chuồng trại và khó tiêu diệt. Bệnh này có thể lây từ gà mẹ sang con, dụng cụ ăn uống, phân của con gà bị bệnh.
Đặc trưng của bệnh: phân lỏng màu trắng hoặc vàng, có nhiều nốt hoại tử ở hậu môn. Gà uể oải, rụt đầu, bỏ ăn, lười di chuyển, lông xù.
Cách phòng tránh và chữa bệnh bạch lỵ ở gà
Phòng bệnh
- Bỏ những con gà bị bệnh không cho đẻ.
- Cho gà con 3-5 ngày tuổi uống ampicoli 1g/2 lít nước để phòng tránh.
- Dùng men vi sinh trộn với độn để tiêu diệt vi khuẩn.
- Cho uống vitamin C và điện giải trong những ngày gà tiêm vacxin.để tăng sức đề kháng.
- Nếu đàn gà có dầu hiệu bị bệnh cần phải cho uống ngay men vi sinh, B-complex, Ampicoli để tránh lây lan cả đàn.
- Bằng phản ứng huyết thanh kiểm tra đàn gà giống.
Cách chữa trị
Sử dụng một số loại kháng sinh có thể trộn với thức ăn, nước uống hoặc tiêm như: Kanamycin Gentamycin, Enrofloxacin, Norfloxacin, Florphenicol… Và một số loại vitamin kết hợp cùng.
BỆNH PHÙ ĐẦU GÀ

Đặc điểm bệnh phù đầu gà
Bệnh phù đầu gà hay còn gọi bệnh Coryza do vi khuẩn Haemophilus gallinarum gây ra. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này nhưng nhiều nhất là ở lứa gà từ 4 tuổi trở lên. Bệnh này dễ dàng lây qua không khí, môi trường chuồng trại,những vật dụng trung gian, chất thải nhiễm bệnh. Tuy tỉ lệ tử vong không cao nhưng nếu kết hợp với một số bệnh khác thì khả năng sẽ cao. Thời gian gà ủ bệnh khoảng 2-10 ngày.
Dấu hiệu nhận biết: phù đầu, phù mặt. Từ mũi chảy ra chất dịch sẽ đặc dần và vón cục như mủ, phình to ở 2 cánh mũi. Do đó gà phải thở bằng miệng. Thêm một số đặc điểm đặc biệt: viêm kết mạc 2 mí không thể mở ra, khả năng đẻ trứng kém hơn vì không kém ăn, tích sưng phồng.
Cách phòng tránh và chữa bệnh phù đầu gà
Phòng bệnh
- Phòng bệnh bằng biện pháp quản lý và dinh dưỡng:
- Phun thuốc sát trùng NAVETKON-S hoặc BENKOCID định kỳ 2 lần/tuần để đảm bảo môi trường không mầm bệnh.
- Quản lý chặt chẽ ra vào trại.
- Gà bệnh chữa khỏi không thả ngay về đàn, cách ly theo dõi thêm.
- Thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống, chuồng trại, thay độn.
- Đảm bảo chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm về mùa đông.
- Tiêm phòng định kỳ vacxin đơn giá ngừa bệnh Coryza riêng hoặc loại đa giá phòng 4 bệnh.
- Trộn thức ăn cùng với vitamin để bổ sung thêm chất.
Cách chữa trị
Bệnh này do vi khuẩn gây ra nên việc đầu tiên là cần điều trị bằng kháng sinh
- Sử dụng một trong số những loại kháng sinh: Ampicillin, Neomycin, Tylosin… Tùy loại có thể cho uống hoặc trộn cùng thức ăn. Sử dụng liên tục 5-7 ngày.
- Pha TETRA-COLIVIT với liều lượng 2g/1 lít nước để tránh nhiễm các bệnh khác, giúp tăng trọng và tăng sản lượng trứng.
- Sau khi hết liều kháng sinh bổ sung men Probiotic 7 ngày để gà nhanh chóng phục hổi sức khỏe, hấp thụ thức ăn tốt hơn.
BỆNH GÀ ĐI NGOÀI

Đặc điểm bệnh gà đi ngoài
Bệnh đi ngoài hay tiêu chảy là loại bệnh phổ biến ở gà. Nguyên nhân gây ra là do thức ăn, môi trường không đảm bảo, thời tiết thay đổi, bị lây bệnh từ những con vật trung gian như:chim, ruồi, muỗi.. Và nguồn nước lạ cũng có thể là nguyên nhân bị đi ngoài.
Dấu hiệu dễ dàng nhận thấy là gà ỉa ra nước có màu đục hoặc trong. Trong thời gian mang bệnh, gà uể oải, chán ăn, lười vận động, gầy yếu hơn.
Cách phòng tránh và chữa bệnh gà đi ngoài
Phòng bệnh
- Nguồn đồ ăn, nước uống cần đảm bảo không chứa nhiều tạp chất.
- Vệ sinh chuồng đều đặn hàng tuần.
- Đảm bảo chuồng được che kín gió, thông thoáng.
- Sử dụng một số loại thuốc khử trùng và men vi sinh để khử trùng.
- Kết hợp xịt ruồi, muỗi, côn trùng.
Cách chữa trị
Có hai cách chữa trị bệnh đi ngoài ở ngoài rất hiệu quả hiện nay như:
Cách dân gian: Dùng lá ổi giã nhuyễn cho vài hạt muối, sau đó lấy nước cho gà uống. Cách này hiệu quả và an toàn với gà bị đi ngoài nhẹ.
Phương pháp tây y: Sử dụng thuốc đau bụng của người như: Cloxit hoặc berberin. Uống kèm nước điện giải và vitamin để bù thêm chất và sử dụng Men vi sinh giúp hệ tiêu hóa hồi phục nhanh.
BỆNH GÀ KHÔNG CHỊU ĂN

Đặc điểm bệnh gà không chịu ăn
Bệnh gà không chịu ăn tưởng chừng không sao nhưng nếu để một thời gian sẽ làm gà sụt cân, yếu ớt, giảm khả năng đẻ trứng, có thể chết vì thiếu chất. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này có thể do nhiều nguyên nhân tác động có thể do gà bị bệnh, đường tiêu hóa có vấn đề. Hay bị bội thực hoặc ăn nhiều chất xa bị tắc. Do đó gà khó tiêu thụ các loại hạt và không chịu ăn.
Đặc điểm nhận dạng bệnh: gà chỉ ăn giun, sâu không chịu ăn hạt. Gà ủ rũ, diều thấy phình hơn, phân lợn cợn có phần thức ăn chưa tiêu hóa, có thể kèm theo một số bệnh cầu trùng, kiết lỵ.
Cách chữa bệnh gà không chịu ăn
Cách chữa gà không chịu ăn thóc, lúa mà chỉ ăn mồi:
Người nuôi nên cho gà hạn chế ăn mồi và tập luyện một số bài tập sức bền cho gà. Không thả gà ra chuồng và không cho ăn uống vào buổi sáng. Đến trưa gà đói sẽ tự kêu lúc này mới cho gà ăn và uống nước. Trong thức ăn của gà trộn thêm tỏi giã nhuyễn hoặc nước tỏi. Cho ăn chế độ này trong vòng 2 ngày gà sẽ quay trở lại ăn bình thường.
Cách chữa gà không chịu ăn do chướng diều:
Nguyên nhân gà bị chướng là do gà ăn nhiều chất xơ hoặc bị bội thực thức ăn. Nếu đúng bệnh không chịu ăn diều của gà sẽ phình to và kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh khác. Sờ vào diều sẽ thấy lúc mềm, lúc lại rất cứng. Và miệng có mùi khó chịu do thức ăn bị tắc nghẽn lên men.
- Nếu diều mềm: Kết hợp men tiêu hóa và nước điện giải. Cho uống hỗn hợp liên tiếp trong hai ngày.
- Nếu diều cứng: Dùng bơm tiêm chứa nước, ngửa cổ bơm từ lười xuống họng. Tránh trường hợp thức ăn bị trào ra ngoài và tránh lỗ thở của gà. Sau đó, lấy tay xoa bóp nhẹ nhàng để thức ăn trôi xuống. Uống kèm thêm nước điện giải và men tiêu hóa.
BỆNH GÀ CHỌI BỊ YẾU CHÂN

Đặc điểm bệnh gà chọi bị yếu chân
Chân khỏe là vũ khí lớn nhất của gà chọi. Bệnh chân yếu sẽ khiến gà chọi không thể tập luyện hay tham gia những trận đấu, bởi bì phần nào cũng ảnh hưởng đến khả năng đá của gà. Một số nguyên nhân khiến gà bị chân yếu: Gà tơ chưa trải nghiệm vần đòn nhiều, thiếu chất dinh dưỡng, do va đập sau các trận đấu, do di truyền từ gà bố mẹ, do bị các bệnh về chân,...
Có thể nhận ra các triệu chứng qua bước đi, hình dáng của gà: gà đi tập tễnh, dễ lảo đảo, mệt mỏi, đá lực yếu, có thể bị liệt 1 hoặc 2 chân.
Cách phòng tránh và chữa bệnh gà chọi bị yếu chân
Phòng bệnh
- Bổ sung dưỡng chất: Ngoài cho gà ăn các loại hạt, giun, sâu , 1 tuần nên kết hợp ăn sò huyết, trứng vịt lộn, cá lươn, gân bò 1-2 lần. Những món ăn này giúp các cơ chân gà nở nang, cứng cáp hơn.
- Xoa bóp và dầm cán: Sử dụng rượu ngâm với nghệ để 1 tháng, xoa bóp ngày 1 lần. Sau nửa tháng cho gà dầm cán, đổ nước tiểu vào xô sao cho ngập chân gà ngâm 20 phút. Làm 1-2 lần/tuần trong vòng 1 tháng.
Cách chữa trị
Việc đầu tiên phải tách gà ra khỏi đàn, thả nơi đất trống không gian rộng rãi để kiểm tra nguyên nhân chân yếu do đâu để có cách chữa phù hợp nhất.
Gà bị gió: là một phần nguyên nhân khiến gà bị run chân, hay ngã làm ảnh hưởng kết quả trận đấu. Cách chữa trị tốt nhất là om bóp bằng dầu gió, rượu ngâm. Sau 2 ngày om bóp chân gà sẽ được cải thiện đáng kể, nếu tình trạng vẫn vậy thì gà của bạn không phải bị té gió mà bị bệnh khác.
Gà chọi bị đau gối, sưng gối: Nếu gà của bạn xuất hiệu triệu chứng chân yếu và sưng gối. Thì dùng ngay dầu gió hoặc mật gấu xoa bóp 2-3 ngày. Kết hợp với uống nhộng lao trong 4 ngày.
BỆNH ORT Ở GÀ

Đặc điểm bệnh ORT ở gà
Bệnh ORT hay còn được biết đến với nhiều cái tên như: bệnh khí quản, phổi, viêm mũi, túi khí. Đây là một loại bệnh thường gặp ở gà, do vi khuẩn có tên là Ornithobacterium rhinotracheale gây ra. Bệnh này có khả năng lây lan nhanh qua đường gió, hô hấp, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chứa mầm bệnh. Thời gian ủ bệnh chỉ 1-3 ngày nhưng khi phát ra có thể cả đàn đã bị nhiễm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh:mũi có dịch, thở khó phải rướn cổ lên, ủ rũ, tiêu chảy, chảy nước mắt, sốt cao, lười ăn, ho, khẹc.
Cách phòng tránh và chữa bệnh ORT ở gà
Phòng bệnh
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách trộn thức ăn với vitamin, giải độc gan, redmin.
- Môi trường chuồng trại luôn được đảm bảo khô ráo, sạch sẽ.
- Sát trùng bằng thuốc benkocid, Onecide định kỳ.
- Cung cấp thức ăn nước uống đầy đủ.
- Phòng bệnh ngay từ đầu bằng vacxin.
Cách chữa
- Đầu tiên cần phải giảm sốt cho gà trước khi sử dụng kháng sinh điều trị. Kết hợp đồng thời hạ sốt bằng paracetamol, long đờm dùng Bromhexin, giải độc, Vitamin.
- Cho uống kháng sinh: Tilmicosin, Florfenicol, Doxycycline pha cùng nước cho gà uống trong 30 phút.
- Sau 3 tiếng uống kháng sinh cho gà uống men tiêu hóa, giải độc gan để hệ tiêu hóa ổn định nhanh.
BỆNH GÀ ỐM TRONG
Đặc điểm bệnh Gà ốm trong
Bệnh gà ốm trong thường thấy ở gà chọi sau mỗi trận đấu khấu liệt. Nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bệnh này: Không cung cấp đủ chế độ dinh dưỡng cho gà, môi trường sống không đảm bảo, om bóp rượu ngâm khi gà vẫn đang bệnh, vần hoặc om gà quá tay không đúng cách.
Khi bị bệnh gà sẽ xuất hiện biểu hiện ủ rũ, tụt sức, biếng ăn, nhợt nhạt, đá yếu. Nếu không điều trị gà chiến sẽ bị yếu và chết.
Cách chữa trị Bệnh Gà ốm trong
- Chế độ vần và om bóp cho gà: Khi gà của bạn đang bị bệnh hoặc bị ốm trong thì không nên nóng vội om bóp rượu nghệ mà để gà nghỉ ngơi. Thay vào đó là sử dụng chè tươi phun và xoa bóp nhẹ nhàng. Vào 7-9h sáng cho gà đi phơi nắng một lúc. Nên nhốt gà cùng gà non, đảm bảo chuồng thoáng khí, sạch sẽ và ấm áp. Khi gà đã hồi phục nên cho tập những bài tập nhẹ nhàng chạy lấy đà, chạy giàng. Nhảy khoảng 5-7 phút để nâng cao thể lực.
- Bổ sung một số loại thuốc trợ lực: Một số loại thuốc sẽ giúp gà nhanh lấy lại phong độ là boganic, enervon C mỗi loại 1 viên. Đồng thời tiêm cách ngày lại tiêm 1cc Catosal, chỉ tiêm 3 lần.
- Chế độ dinh dưỡng: Tất thức ăn chính của gà vẫn là thóc, ngô, rau xanh. Nhưng không nên cho ăn quá nhiều hạt dễ bị chậm tiêu hóa. Rau xanh thì có thể cho ăn đến khi nào gà biếng ăn. Kèm thêm một số loại cá, lươn, thịt bò 1 tuần cho ăn 1-2 lần. Để tránh bị đi ngoài thì nên nấu chín. Xen kẽ 1 bữa cám vs 1 bữa thóc cũng là cách để lấy sức nhanh.
BỆNH NẤM HỌNG Ở GÀ CHỌI

Đặc điểm bệnh nấm họng ở gà chọi
Bệnh nấm họng ở gà hay còn được biết đến là bệnh nấm đường tiêu hóa, do men Candida albicans gây ra. Bệnh này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa làm suy giảm hệ nhiễm dịch, đặc biệt bệnh này có nguy cơ tử vong cao. Nguyên do khiến bệnh này lây lan: Trong thức ăn, nước có nhiễm nấm hoặc không đạt tiêu chuẩn, máng ăn, máng uống bị bẩn, thuốc để trong thức ăn lâu không được vệ sinh giúp cho nấm phát triển nhanh.
Triệu chứng của bệnh nấm họng gà chọi được biểu hiện rõ nhất tại các bộ phân như miệng, thực quản, diều, dạ dày tuyến, ruột…
Các triệu chứng của bệnh nấm họng: miệng bị nhiễm trùng, hơi thở hôi, xuất hiện nhiều mảng trắng miệng. Diều có nhiều nốt mụn trắng, dịch nhầy, hôi. Dạ dày bị xuất huyết, sưng. Ruột cũng bị viêm nhiễm nhiều dịch. Gà sụt cân nhanh, kém ăn, ủ rũ.
Cách phòng tránh và chữa bệnh nấm họng ở gà chọi
Phòng bệnh
- Kiểm tra thành phần trong đồ ăn thức uống.
- Chăm vệ sinh máng ăn, máng uống.
- Không để gà ăn lại thức ăn cũ có trộn thuốc.
Cách chữa
- Chữa bằng phương pháp thủ công: Làm sạch cổ họng gà bằng cọ, dùng nước muối sinh lý để vệ sinh lại. Sau đó, dùng thuốc xanh tylen vào chỗ bị nấm. Cuối cùng, cho gà uống hỗn hợp đậu gà với men vi sinh, điện giải.
- Chữa bằng thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc chữa bệnh nấm họng như Flumequin 20g, SUper Vitamin 20g, Vitamin ADE 20g, Fungicid 20g. Pha 4 loại thuốc cùng 15l nước tương ứng với 100kg trọng lượng gà. Dùng 4-5 ngày.
BỆNH EDS TRÊN GÀ

Đặc điểm bệnh eds trên gà
Bệnh EDS hay còn gọi là hội chứng giảm đẻ trên gà, bệnh này bị lây nhiễm do virus thuộc nhóm Adenovirus gây ra. Bệnh EDS thường xảy ra ở đàn gà đẻ công nghiệp tầm 26-35 tuần tuổi. Đường truyền nhiễm thông qua trứng nhiễm bệnh, thức ăn, dụng cụ, phương tiện vận chuyển gà bị nhiễm khuẩn, chất thải từ gà bệnh.
Gà mái bị bệnh tỷ lệ trứng sẽ giảm đến 50%, vỏ mềm, màu vỏ trứng nhạt, bị méo, lòng trắng loãng. Gà biểu hiện chậm chạp, lười ăn, tiêu chảy nhiều con vẫn có thể khỏe mạnh bình thường.
Cách phòng tránh và chữa Bệnh eds trên gà
Phòng bệnh
- Từ khâu chọn gà giống phải kiểm tra chất lượng, được tiêm phòng đầy đủ.
- Nuôi những con vật khác xa khu vực nuôi gà.
- Quá trình vận chuyển trứng, chăn nuôi, tiêm phòng cần vệ sinh đảm bảo đúng kỹ thuật.
- Dùng vacxin cho gà từ 2-4 tuần tuổi 1 lần lần trước khi đẻ.
- Sát trùng chuồng theo định kỳ, tiêu diệt mầm bệnh.
Cách chữa trị
Vì hiện nay loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên cần phải tăng cường bổ sung thuốc bổ, protein và canxi để gà đẻ tăng năng xuất cũng như chất lượng trứng.
CHỮA BỆNH CHO GÀ BẰNG THUỐC NAM

Cách chữa bệnh bằng thuốc nam cho gà từ lâu đã được nghiên cứu và thử nghiệm rất an toàn và hiệu quả. Hơn nữa, nguyên liệu cũng rất dễ kiếm và hoàn toàn tự nhiên.
Cách chữa gà bị trúng gió
Như ở trên các bạn đã biết gà té gió có thể dùng dầu gió hoặc rượu để om bóp. Nhưng có một bài cũng được nhiều sư kê áp dụng, đó là cho gà ăn thạch sùng ngâm trong rượu trắng. Liều lượng mỗi ngày 2 con. Hoặc cho à uống nước gừng để thân nhiệt nhanh ấm.
Bài thuốc dân gian trị tang cho gà
Nếu gà chỉ bị tang ít thì làm sạch bằng cách lau nước sạch, sau đó cho uống thuốc giảm đau. Còn trong trường hợp gà bị tang nhiều nên cho uống thuốc tan máu bầm cùng với kháng sinh. Tốt nhất nên cho gà ói ra để tan máu đông bên trong. Gà tang bị mà mắt bị cựa đánh trúng lấy lá đu đủ vò nát rồi sát vào mắt.
Cách chữa bệnh đậu gà bằng lá trầu không
- Trong chuồng gà rải lá trầu không.
- Lấy muối giã cùng lá Trầu không, sau đó bôi lên các nốt đậu. Cho gà ăn 1 chút hỗn hợp đó.
- Cho gà vào chuồng đã trải sẵn lá, che chắn kín gió, chỉ sau 5-7 ngày sẽ có tiến triển.
Bệnh Newcastle cũng có một số bài thuốc dùng để phòng bệnh cho gà như:
- 1 củ gừng tươi + 15g gừng khô + 15g xương trật + 20g rễ cây lá lốt
- 25g tía tô +50g hoa kinh giới + 25g kim ngân hoa + 25g liên kiều + 25g bạc hà
Chữa bệnh hô hấp mãn tính
- Công thức cho bài thuốc này gồm: 16g lá lốt + 12g lá xoài + 12g lá trầu không + 12g lá xoài
- Cho nguyên liệu trên vào nồi thuốc sắc lên. Sau đó chắt nước cho gà uống hàng ngày. Sau 5-7 ngày gà sẽ hồi phục dần.
Chữa bệnh về đường tiêu hóa
Gà thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa như: căng diều, khó tiêu, tiêu chảy,... Có thể sử dụng các vị thuốc để chữa trị là củ hẹ, gừng, tỏi, nghệ. Các vị thuốc này có tính kháng khuẩn cao, chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch, làm ấm bụng.
KỸ THUẬT NUÔI GÀ NHỐT CHUỒNG PHÒNG TRÁNH BỆNH CHO GÀ

Ưu điểm của mô hình nuôi gà nhốt chuồng
- Được xây dựng, thiết kế chắc chắn nên dễ dàng lắp đặt các hệ thống chiếu sáng, hệ thống sưởi, làm mát. Đảm bảo nhiệt độ chuẩn.
- Phù hợp với hầu hết hộ gia đình và các trang trại nông nghiệp.
- Gà trong đàn sẽ phát triển đều nhau hơn so với mô hình thả vườn.
- Dễ dàng vệ sinh, phòng chống bệnh, bảo vệ đàn gà khỏi những tác động của môi trường. Hạn chế tối đa những rủi ro.
- Việc kiểm soát số lượng, quản lý điều kiện nuôi dưỡng trở nên tối ưu hơn. Điều này giúp giúp tiết kiệm được nhiều chi phí.
Kỹ thuật chăn nuôi gà nhốt chuồng
Khâu chuẩn bị xây dựng chuồng
Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất, khi xây dựng chuồng trại bà con cần chú ý đến một số yếu tốt sau:
- Tìm kiếm vị trí xây dựng chuồng xa cách khu dân xư, xa khu nuôi những con vật khác.
- Xác định hướng Đông hoặc Đông Nam, vì hướng này mát mẻ. Kết hợp với nơi có vùng đất cao chuồng trại của bạn sẽ đáp ứng được yếu tố thông thoáng, cao ráo. Tất nhiên chuồng sẽ được xây bằng xi măng và độ dốc hợp lý để vệ sinh dễ dàng hơn. Tường có thể sử dụng lưới thép có bạt hoặc gạch. Mái che được lợp bằng tôn lạnh để lớp hoặc loại tôn chống nóng.
- Sau khi chọn được chỗ và nguyên liệu để xây dựng chuồng gà. Tiếp đó cần chuẩn bị xây dựng khu xử lí vật nuôi, khu dự trữ thức ăn. Đào sẵn hố sáng trùng ngay gần chuồng nuôi.
Mật độ và diện tích chuồng nuôi
Đảm bảo mật độ phù hợp giúp cho việc quản lý gà và phân bổ lượng thực ăn hợp lý hơn. Mật độ tùy vào diện tích chuồng nuôi tính theo công thức: Diện tích chuồng gà = Tổng số gà x Mật độ gà. Cứ 1m2 thì chỉ nên thả 6-8 con là phù hợp.
Chọn con giống khỏe mạnh
Việc quan trọng nhất chính là chọn giống gà. Dù chuồng trại của bạn có được xây dựng tốt đến đâu nếu giống gà không tốt thì bạn cũng sẽ không có năng suất như mong muốn. Hiện nay có rất nhiều giống gà để bạn tham khảo như: gà Nòi lai, gà Tàu Vàng, gà Đông Tảo, gà Tam Hoàng,... Chọn được giống gà rồi bạn nên tìm cơ sở uy tín, đảm bảo gà được tiêm chủng đầy đủ là điều rất quan trọng.

Tên tôi là Khánh. là một người viết blog tự do đến từ Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Học Viện Báo Chí tôi bắt đầu đến làm việc tại House - Family . Với niềm đam mê của mình tôi sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích và bổ sung thêm những kiến thức phong phú đáng tin cậy nhất.